Ông tổ nghề nail ở Czech

Ngày đăng: 10:18 AM 19/01/2018 - Lượt xem: 1202

Cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại Châu Âu với mức thu nhập thậm chí còn cao hơn so với thu nhập bình quân của người bản địa.

 

 

Theo số liệu Cục Thống kê Czech (Cộng Hòa Séc), thu nhập bình quân của người Séc năm 2016 đạt xấp xỉ 345.000 Koruna tương đương gần 9.182 USD/năm (chưa trừ thuế thu nhập và trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt làm nghề nail tại đây dao động 2.500-3.500 USD/tháng, gấp gần 4 lần.

 

Số liệu trên cho thấy, nghề làm nail của cộng đồng người Việt tại nước ngoài không chỉ phát triển và có tiềm năng ở Mỹ, Australia mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 

Ông chủ Việt sở hữu 20 tiệm nail ở Cộng Hòa Séc

 

Câu chuyện về ông tổ nghề nail – Đỗ Thuyên, người học và truyền nghề cho hàng nghìn lao động Việt đã từng được cộng đồng người Việt ở nước ngoài truyền tai nhau.

Quê hương ở Vĩnh Phúc, năm 1984, ông Thuyên quyết định đặt chân đến mảnh đất xa lạ Đông Âu với công việc tại một nhà máy sản xuất ô tô. Năm 1993, khi nơi này chia tách, ông quyết định ở lại Czech (Cộng Hòa Séc) và chuyển sang kinh doanh vải may mặc.

Tuy nhiên, với kinh tế khó khăn, thị trường thay đổi chóng mặt, lượng tiêu dùng của người dân giảm kéo theo công việc kinh doanh của gia đình không được thuận lợi. Ông bắt đầu tham khảo các nghề của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó, chú ý nhất đến nghề nail khi đang rất phát triển ở Mỹ, Canada, Anh, Australia…

 

 

Dù rất tâm huyết với nghề này, nhưng phải đến năm 2005, khi London cho phép người Việt có quốc tịch Châu Âu tự do đi lại, ông Thuyên mới có cơ hội sang Anh học nghề.

Sau một tháng ở London, ông Thuyên lại tiếp tục sang Đức nâng cao trình độ. Khi có chứng chỉ học nghề, tin mình sẽ làm được, doanh nhân người Việt đã trở về Cộng hòa Séc với mong muốn phát triển nghề cho cộng đồng người Việt đang khó khăn ở đây.

Khi ấy, nghề nail chưa được biết nhiều, tìm người theo học rất khó. Do vậy, ông quyết định về Việt Nam tuyển thợ. Dù nhiều người còn nghi hoặc, song ông thuyết phục bằng được người nhà, con cháu, hàng xóm… theo học. Cuối cùng, ông cũng tuyển được 60 người sang Séc làm việc.

 

Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu tiến triển, ông Thuyên thành lập Công ty Euro Nail với chiến lược mở rộng địa bàn. Chỉ sau một năm, Euro Nail đã xuất hiện trong các trung tâm thương mại ở 4 quốc gia Slovakia, Czech, Đức, Thụy Điển.

Sau hơn 10 năm miệt mài phát triển, ông Thuyên đã sở hữu tới 20 tiệm nail (đã cổ phần và nhượng quyền hơn 20 tiệm) với trên 250 thợ, cho mức thu nhập trung bình khoảng 2.500-3.500 USD/tháng/người – cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân người bản địa. Ông cho biết, đã rất nhiều người Việt tại Séc đã đi lên từ nghề này.

 

Cạnh tranh khốc liệt nhưng nail vẫn là nghề hái ra tiền

 

Nghề làm nail của cộng đồng người Việt đã phát triển ở Mỹ 40 năm, Anh hơn 30 năm, ở Cộng hòa Séc chỉ mới khoảng 10 năm, tuy nhiên, tiềm năng tại đây còn rất nhiều.

Ông Thuyên cho biết, ước tính, Châu Âu cần khoảng ít nhất 5.000-7.000 thợ làm móng nữa vẫn đáp ứng được công ăn việc làm tốt cho người lao động. Khi thị trường càng cạnh tranh thì nghề này càng phát triển.

 

 

Hiện chỉ tính riêng Cộng Hòa Séc, khoảng 300 tiệm nail khác nhau đã mọc lên với hàng nghìn thợ. Cũng chính vì sự nở rộ của nghề này nên việc cạnh tranh là không tránh khỏi, kéo theo giá làm mail giảm hơn một nửa, từ 50 Euro (hơn 55 USD)/bộ xuống khoảng 20-30 Euro. Tuy nhiên, theo ông Thuyên, giá rẻ, chất lượng nghề đi lên, nhu cầu người dân ngày càng nhiều nên doanh thu của các tiệm vẫn tăng cao.

 

Có thể đánh giá một cách khách quan, hiện cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại Châu Âu

 

Nghề này cũng đang đứng đầu danh sách những nguồn việc làm lớn nhất cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Tuy nhiên, để có mức thu nhập như hiện tại, thợ làm nail cũng vô cùng vất vả và chắc hẳn người bản địa khó mà làm được. Trung bình giờ làm việc của một thợ nail kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối cùng với đó là ảnh hưởng về sức khỏe khi tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại. Song có thể khẳng định, nail là nghề đã tạo nên thương hiệu của người Việt nơi xứ người. Và với mức thu nhập như hiện tại, cuộc sống của cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới sẽ sung túc hơn rất nhiều.

 

Nguồn #Cafebiz

 

Facebook